Giống chuối cấy mô cho năng suất cao, phẩm chất thơm ngon, có độ đồng đều cao, sạch bệnh và sức sinh trưởng mạnh. Thời gian từ trồng đến lúc thu hoạch khoảng từ 12-14 tháng, sau trồng 8-10 tháng cây ra bắp (hoa chuối), từ lúc bắp chuối trổ đến thu hoạch khoảng 3,5-4 tháng. Buồng chuối trung bình có từ 8-10 nải, trái to, khoảng 30 kg/buồng, vỏ chuối có màu trắng xanh khi chín có màu vàng tươi rất được ưa chuộng
Nhiệt độ thích hợp trồng chuối cấy mô từ 25 – 35oC, lượng mưa trung bình hàng năm 1200 – 2000mm, ẩm độ không khí 50 – 90%. Chuối cấy mô trồng được trên nhiều loại đất khác nhau cả vùng gò đồi, nhưng thích hợp nhất là đất giàu mùn, thoát nước tốt, có tầng canh tác dày ít nhất 80cm trở lên, độ pH thích hợp 5– 7 và độ cao vùng trồng chuối không quá 600m so với mặt nước biển.
II. KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY CHUỐI CẤY MÔ
1. Chuẩn bị đất trồng
Đất được cày bừa kỹ, bằng phẳng, sạch cỏ dại, nơi có mạch nước ngầm thấp cần phải lên líp trước khi trồng. Đào hố có kích thước 45 x 45 x 45 cm, trộn đều với lớp đất mặt 5-10 kg phân hữu cơ hoai mục + 400g Super lân + 100g NPK 20-20-15 (hoặc 16-16-8) + 300g vôi + 20-30g Padan 4GR/hố và lấp đầy miệng hố, thực hiện trước khi trồng tối thiểu 20 ngày. Chú ý vườn đồi núi nên đào hố theo đường đồng mức để tránh xói mòn đất.
2. Giống
Chọn cây chuối cấy mô có thân mập mạp, chiều cao cây từ 20cm trở lên tính từ mặt túi bầu và cây có ít nhất 5 lá xanh, sạch sâu bệnh.
3. Thời vụ trồng, mật độ, khoảng cách và cách trồng
Cây chuối cấy mô có thể trồng được quanh năm nơi chủ động được nguồn nước tưới, tuy nhiên để đạt tỉ lệ sống cao và thu hoạch vào dịp tết Nguyên Đán thường trồng vào những tháng mùa mưa, ở Khánh Hòa thường trồng vào tháng 9 đến tháng 12 dương lịch.
Tùy vào điều kiện đất đai tốt xấu và mức độ thâm canh có thể trồng với mật độ 2500, 2000 và 1700 cây/ha, tương ứng với khoảng cách 2 x 2m , 2 x 2,5m và 3 x 2m.
Đào một lổ giữa hố trồng, tháo bỏ túi bầu đặt cây vào hố và ém chặt đất lại sao cho mặt bầu cây chuối hơi thấp hơn mặt hố trồng từ 3-5cm. Nếu có điều kiện dùng rơm rạ đã xữ lý tủ gốc để tránh dí dẽ và hạn chế cỏ dại.
4. Kỹ thuật chăm sóc
4.1. Tưới nước
Sau trồng tưới nước ngay giúp bộ rễ tiếp xúc tốt với lớp đất trong hố trồng, cách 1-2 ngày khi thấy khô mặt hố tiến hành tưới, khi cây bén rễ các lần tưới cách xa dần 7 – 10 ngày tưới/lần.
Khi cây lớn tùy điều kiện thời tiết, định kỳ tưới 20-30 ngày/lần bằng cách tưới ngập theo rãnh hàng chuối, tưới vào những đợt bón phân thúc. Mùa mưa nên kịp thời thoát nước tránh ngập úng.
Nên lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nguồn nước tưới, hạn chế cỏ dại và giảm công chăm sóc.
4.2. Bón phân
Sau trồng 7-10 ngày dùng phân Humic pha loãng nồng độ 1% tưới vào gốc, liều lượng từ 2-4 lít/gốc, định kỳ tưới phân 10 ngày/lần.
Sau đó bón thúc: 300 – 400g phân Urê và 400 – 500g phân Kaliclorua (KCl)/hố, chia làm 3 lần bón:
Lần 1: Sau trồng 1,5 tháng (lúc cây đạt chiều cao từ 50-70cm) bón 30% Urê và 30% KCl.
Lần 2: Sau trồng 4,5 tháng (thời điểm cây bắt đầu đẻ nhánh) bón 40% Urê và 40% KCl.
Lần 3: Sau trồng 7,5 tháng (trước khi chuối trổ buồng) bón lượng phân còn lại 30% Urê và 30% KCl.
Có thể dùng phân NPK 20-20-15 (16-16-8), lượng bón 1000g/hố và chia 3 lần bón như trên.
Cách bón: Rải phân xung quanh gốc kết hợp xới xáo trộn đều phân với đất và vun gốc.
4.3. Làm cỏ, xới xáo, vun gốc
Khi chuối còn nhỏ chưa giao tán thường xuyên làm cỏ, vệ sinh vườn sạch sẽ, xới xáo vườn chuối. Hạn chế dùng thuốc diệt cỏ, chỉ sử dụng từ 1-2 lần/vụ.
Sau mỗi lần bón phân nên vun gốc cho chuối để hạn chế chuối đẻ nhánh và phòng đổ ngã về sau.
4.4. Tỉa chồi, bẻ bắp, chống đỡ buồng chuối
Sau trồng khoảng 4,5 tháng chuối bắt đầu đẻ nhánh (nhảy cây con), định kỳ tỉa chồi. Dùng dao cắt sát mặt chuối chỉ giữ lại khoảng 2 cây chuối con mập, khỏe, có tuổi cây cách nhau 4 tháng và cách gốc 20cm để tập trung dinh dưỡng nuôi cây mẹ, nên tiến hành vào những hôm trời nắng ráo để tránh nhiễm bệnh qua vết cắt.
Sau khi bắp chuối trổ xuất hiện 1-2 nải trung tính, tiến hành bẻ bắp.
Dùng cây chống buồng chuối để tránh đổ ngã.
Thường xuyên thăm vườn cắt bỏ lá úa vàng, sâu bệnh.
Sau khi thu hoạch buồng chuối đốn bỏ cây mẹ, đào bỏ cả củ và dọn sạch tàn dư ra khỏi vườn.
4.5. Phòng trừ sâu bệnh
Thường xuyên kiểm tra vườn chuối, phát hiện sớm sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Các đối tượng sâu bệnh gây hại chủ yếu trên cây chuối gồm:
4.5.1. Sâu đục gốc chuối (Cosmopolites sordidus)
Sâu gây hại làm cho cây chuối còi cọc, héo rũ, trái nhỏ và cây chuối dễ bị đổ ngã trong thời gian mang buồng. Thời tiết nóng ẩm sâu gây hại mạnh.
Phòng trừ: Vệ sinh vườn sạch sẽ, thông thoáng, thường xuyên tỉa chồi, thu gom các lá già sâu bệnh, khô, thối, cây bị bệnh ra khỏi vườn. Rắc xung quanh gốc thuốc Padan 4GR, Gà nòi 4GR, Patox 4GR để tiêu diệt ấu trùng theo chỉ dẫn trên bao bì. 4.5.2. Rầy cánh trắng
Rầy tập trung chích hút phần mặt dưới lá ở các lá già, phần gần gốc thân làm cho cuống lá ngắn, chất bài tiết của rầy phát sinh nấm bồ hóng làm cây phát triển còi cọc, yếu.
Phòng trừ: Vệ sinh vườn thông thoáng, cắt bỏ bẹ lá bị bệnh đưa ra khỏi vườn tiêu hủy. Sử dụng thiện địch như bọ rùa, dòi ăn thịt, kiến, nhện, ong ký sinh… Có thể dùng Congphai 10EC, Amico 10EC, Actara 25WG, Secsaigon 50E phun theo liều lượng chỉ dẫn trên bao bì.
4.5.3. Rệp sáp (Pseudoccoccus sp)
Rệp sáp xuất hiện và gây hại mạnh vào khoảng 2 tháng sau khi trổ buồng, chúng bám vào các kẻ giữa các trái chuối trên nải để chích hút, làm trái chậm lớn, nấm bồ hóng phát triển làm trái chuối bị đen làm giảm phẩm chất trái chuối.
Phòng trừ: Bao buồng chuối, bảo tồn thiên địch như: Ong ký sinh và bọ rùa … để hạn chế rệp sáp. Có thể dùng dầu khoáng DS 98.8 EC, Admire 050 EC, Dimenat 20 EC, Bihopper 270EC … với liều lượng chỉ dẫn trên bao bì.
4.5.4. Bệnh thán thư
Bệnh do nấm Colletotrichum sp gây ra làm lá cháy khô, tàu lá bị gảy và teo lại, bệnh cũng gây hại trên trái làm giảm phẩm chất và năng suất thu hoạch. Bệnh gây hại mạnh lúc thời tiết nóng ẩm, có mưa và ẩm độ cao.
Phòng trừ: Tạo thông thoáng cho vườn, gôm cỏ dại và các tàu lá sâu bệnh
đem đi tiêu hủy. Dừng tưới nước và bón phân, nếu bệnh nặng dùng thuốc đặc trị Amistar 250 SC(Azoxystrobin), Amistar Top 325SC, Dithane M45 80WP, Antracol 70WP để phun xịt theo chỉ dẫn trên bao bì vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.
4.5.5. Bệnh héo rũ Panama
Bệnh héo rũ do nấm Fusarium oxysporum f.sp.cubense gây ra, đây là bệnh rất nguy hiểm, thường thể hiện triệu chứng bệnh ra ngoài khi cây chuối ở giai đoạn sắp trổ hoặc đang mang buồng, làm thiệt hại lớn cho người trồng chuối. Chuối bị bệnh Panama lá thường vàng từ lá già lên các lá non và vết bệnh phát triển từ bìa lá lan vào giữa gân lá. Các lá già héo, cuống và phiến lá gảy cúp xuống nhưng vẫn còn neo trên cây, các lá đọt còn xanh và mọc thẳng và sau đó có màu xanh nhạt hơi vàng, nhăn nheo, cuối cùng khô héo.
Cây bị bệnh chết nhưng thân không ngã đổ, các bẹ ngoài bị nứt dọc, các chồi con vẫn phát triển xung quanh nhưng sau đó cũng bị héo rụi. Cắt ngang thân giả sẽ thấy các bó mạch có màu nâu vàng, cắt ngang thân thật (củ chuối) các mạch có màu đỏ nâu và bốc mùi hôi. Nấm bệnh lưu tồn trong đất và các cây bệnh. Nấm có thể sống hoại sinh trong củ chuối và các bộ phận khác một thời gian dài, lây lan chủ yếu theo cây chuối con và đất có mang mầm bệnh. Nấm bệnh xâm nhập chủ yếu qua chóp rễ hoặc qua vết thương phần rễ.
Phòng trừ: Thường xuyên kiểm tra vườn đào bỏ những cây bệnh đem ra khỏi vườn tiêu hủy, rắc vôi vào hố cây bệnh và tưới COC 85, Mancozep 80WP vào gốc, mùa mưa phun phòng Tilt super 300SC, Anvil 5SC… định kỳ 2-4 tuần/lần. Không dùng chuối con ở các vườn chuối bị bệnh làm giống. Nếu vườn bị bệnh nặng nên ngưng canh tác, cho ngập nước từ 2-3 tháng để diệt mầm bệnh.
5. Thu hoạch
5.1. Thu hoạch
Sau khi chuối trổ buồng từ 115 – 120 ngày là có thể thu hoạch. Độ chín khi thu hoạch đạt 85 – 90%, vỏ chuối có màu xanh thẫm, trái chuối tròn đầy, không còn thấy gờ cạnh, thịt chuối có màu trắng ngà đến vàng ngà.
Khi thu hoạch và vận chuyển cần nhẹ nhàng tránh gây dập, trầy xước, nứt trái, dùng bao gai, rơm rạ, lá chuối khô, giấy… vật liệu mềm để bao bọc buồng chuối và vận chuyển ngay đến nơi tiêu thụ.
5.2. Bảo quản
Sau khi thu hoạch, chuối được để nơi thoáng mát khoảng 24 giờ cho ráo nhựa mới tiến hành sơ chế. Có thể tách chuối ra từng nải hoặc từng chùm nhỏ 3-5 trái theo yêu cầu tiêu thụ, đựng trong túi nylon có chừa lỗ thoát khí và cho vào thùng carton hoặc sọt nhựa chuyên dùng. Trọng lượng chỉ khoảng 15 – 25 kg/thùng (sọt). Có thể bảo quản chuối nguyên cả buồng bọc trong túi PE. Buồng chuối có thể xếp dựng đứng trên giá hoặc treo trên những chiếc móc chuyên dùng.